CẢM GIÁC khi biết CON "CÓ VẤN ĐỀ" 

Có môt dạo mình chưa quá bận bịu nên hay được các Mẹ tin tưởng tâm sự mỗi ngày. Và các tâm sự của các Mẹ mới hay tin con mình có “vấn đề” thường khá giống nhau với các đặc điểm : lo lắng, không tin nó là thật, sao nó lại xảy ra với gia đình mình, mình đã làm sai ở đâu?,. vân vân và mây mây…

Một sự thật là,

Không riêng gì các Gia đình có bé mắc chứng Liệt não (Bại não, Cerebral Palsy, viết tắt là CP) mà tất cả các Ba Mẹ khi phát hiện ra con mình gặp vấn đề khó khăn về sức khoẻ thể lý hay tinh thần đều sẽ cảm thấy shock và trải qua 5 giai đoạn tâm lý thường gặp như sau:

Giai đoạn 1. Chối bỏ 
Giai đoạn 2. Tức giận
Giai đoạn 3. Thương lượng
Giai đoạn 4. Chán nản
Giai đoạn 5. Chấp nhận

5 giai đoạn này không nhất thiết đi theo bất kỳ một trật tự cụ thể nào. Chúng ta thường xuyên chuyển tiếp qua lại giữa các giai đoạn, trước khi đạt được việc chấp nhận sự thật một cách yên bình.

Giai đoạn 1. Chối bỏ

        Trong giai đoạn sớm – ngay khi cảm nhận con mình có vấn đề, Cha Mẹ hoặc người thân trong gia đình thường tự nhủ “chắc con mình chậm chút xíu, chứ không sao đâu”

Cha Mẹ trong giai đoạn này cũng hay lên các diễn đàn và hỏi thăm xem “có trường hợp nào giống con của mình không?” “có ai có con giống như con em mà sau này phát triển bình thường không?” Nếu kết quả là tích cực thì tâm lý Ba Mẹ như được an ủi, còn ngược lại, Cha Mẹ sẽ luôn cảm thấy có gì đó bất an. Cũng có Ba Mẹ không dám đưa con tới cơ sở y tế để thăm khám đánh giá, vì sợ… “lòi ra bệnh”. 

         Đến khi xác định là con mình “có vấn đề” thực sự, thường lúc này, Cha Mẹ sẽ có cảm giác muốn chối bỏ – từ chối sự việc đang xảy ra :  “điều này không thể xảy ra được,… con mình sao có thể bị thế này cơ chứ,… trông con xinh như thế kia cơ mà” . Đó là một phản ứng rất bình thường để bản thân ta hợp lý hoá những cảm xúc đang ồ ạt chảy trong tim mình.

Ta bị shock, và đặc biệt, với các trường hợp mà trong quá trình mang thai hoặc trong quá trình trẻ phát triển bình thường, khoẻ mạnh trước khi gặp “sự cố”. Ta đặt một kỳ vọng nào đó về tương lai trên con thì mức độ shock và khó chấp nhận càng cao. 

         Chối bỏ hay “từ chối hiểu” không có nghĩa là ta không biết “sự việc không mong muốn đó” đã xảy ra, mà chính là một nỗ lực  thấy chúng ta đang cố gắng tiếp thu, cố gắng “dung nạp” nhiều điều đang xảy ra.

Chối bỏ sự thật là dấu hiệu cho thấy chúng ta chấp nhận với thực tế đang xảy ra và cũng là một bước giúp giảm bớt những nỗi đau buồn. 

Giai đoạn 2. Tức giận

Khi “mặt nạ chối bỏ” bị hoặc buộc phải gỡ xuống, bản thân chúng ta biết “đó là sự thật”, ta sẽ cảm thấy tức giận. Có người sẽ tìm cách đổ thừa cho người xung quanh, có người sẽ lục tung trí nhớ tìm xem mình có làm sai ở đâu không, có người mãi luôn dằn vặt về bản thân mình một thời gian rất dài sau đó.

Ở giai đoạn này, cảm giác mà Cha Mẹ hay trải qua đó chính là  uất ức, phẫn nộ,… “Tại sao lại là mình? mình không đáng phải chịu những điều này!…. Chúng ta cảm nhận rằng bất kỳ điều gì xảy ra đều là bất công và rằng mình không đáng bị như vậy.

Mọi kế hoạch đều “vụn vỡ”, mọi sự hy vọng về một tương lai “bình thường& tốt đẹp” đều tan như bọt biển, cho nên, khó chịu là điều dễ hiểu và tức giận là cách thể hiện chân thật nhất những cảm xúc của chúng ta.

Giai đoạn 3. Thương lượng

Thời gian trôi qua, những cảm xúc hỗn độn tiêu cực dần bình lặng lại, Cha Mẹ bắt đầu nghĩ “Giá như mình cho con đi khám sớm hơn … , Giá như hôm đó mình ở nhà thì… , Giá như… và giá như… ” Những ý nghĩ tưởng chừng “vô ích” đó thực sự lại là cách giúp tâm lý Cha Mẹ dễ lấy lại kiểm soát hơn và vững vàng hơn sau này.

Đây là một giai đoạn phát triển tâm lý tự nhiên và cũng chính tỏng giai đoạn này Cha Mẹ tìm đến những hướng đi, những giải pháp bền vững hơn để tiến gần tới sự chấp nhận tình trạng của con cũng như tất cảc các thay đổi liên quan.

Giai đoạn 4. Chán nản

Sau giai đoạn thương lượng thì thường Cha Mẹ bắt đầu lên kế hoạch về những gì con cần và bắt tay vào “hành động”. 

Và ngay khi bắt đầu “hành động”, ta lại dễ gặp những tình huống làm ta nản chí, và muốn buông bỏ tất cả. 

Ví dụ: khi đưa con tới tập PHCN ở Bệnh viện, Bác sĩ nói những lời tiêu cực “bé bị nặng vầy, tập cũng không có tiến bộ đâu,… về nhà sinh đứa khác đi…” hay bắt gặp những bé khác cùng tập trong phòng và không thấy tiến bộ gì…. hoăc có khi là nhìn thấy bé khác tập 1-2 tháng đã biết đi, con mình thì vẫn lè tè mãi…

Giai đoạn này là giai đoạn mà theo kinh nghiệm của mình là lặp đi lặp lại nhiều nhất, và chính trong giai đoạn này Cha Mẹ Siêu nhân dễ rơi vào trạng thái stress, căng thẳng, trầm cảm, rối loạn lo âu,…

Và ngay khi bước qua giai đoạn Chấp nhận, thì phần lớn các Cha Mẹ vẫn có thể quay ngược về giai đoạn Chán nản này, nhất là khi chịu sự tác động tiêu cực thường xuyên môi trường xung quanh.

Giai đoạn 5. Chấp nhận

Nếu đạt đến giai đoạn cuối cùng, giai đoạn Chấp Nhận, thực sự ở một góc độ nào đó, Chấp nhận tình trạng của con chính là một món quà cho cả Gia đình và Em bé. Nó đánh dấu việc mọi sự sẽ bình ổn trong tâm lý của Cha Mẹ, từ đó Em bé cũng sẽ được yêu thương đúng cách và bình an hơn mỗi ngày.

Đây là Giai đoạn mà đa số Ba Mẹ sẽ bắt đầu đọc sách, học hỏi để hiểu hơn về tình trạng của con mình một cách khoa học và có chọn lọc hơn. Khác với giai đoạn sớm, việc tìm hiểu chỉ ở mức “sơ sơ” thì giai đoạn này Cha Mẹ bắt đầu tìm hiểu vào chi tiết và thực tiễn “Con gặp khó khăn gì? mức độ nào? ưu nhược điểm của các phương pháp can thiệp”

Từ đó, Cha Mẹ “vẽ” lại một con đường đi mới cho cả gia đình, một con đường yên bình và phù hợp với “trạng thái mới”.

Tổng hợp lại thì, việc đối mặt với sự kiện “Con bị bệnh” là một trải nghiệm mang tính cá nhân đơn độc và sâu sắc – không ai có thể giúp bạn đi qua nó một cách dễ dàng hơn hoặc có thể hiểu tất cả những cảm xúc mà bạn đã & đang trải qua (kể cả Vợ Chồng, trải nghiệm tâm lý của Vợ / Chồng đều khác nhau, và việc đạt đến mức Chấp nhận cùng hiếm khi nào đạt được cùng một lúc ở cả hai)


Vậy có cách nào đạt được giai đoạn Chấp nhận ngay lập tức không?

– Câu trả lời nằm ở giữa Có & Không. Bởi vì mỗi người sẽ có ngưỡng cảm xúc khác nhau, và dù họ có đạt mức Chấp nhận sớm thì cũng không đồng nghĩa với việc họ không trải qua các giai đoạn đau buồn.


Tuy nhiên, Nếu như chúng ta kiềm chế, cố gắng chống lại những cảm xúc của mình thì việc Chấp nhận sẽ khó đạt được hơn. Vì cuối cùng khi nhìn vào 5 giai đoạn tâm lý này, chúng ta sẽ thấy nó giống như quá trình “tự lành của vết thương”, hãy để mọi thứ xúc cảm diễn ra tự nhiên nhé! Và như bản thân mình, mình luôn tự nhủ “Con còn sống là mình còn thời gian để cố gắng, mình còn cơ hội để yêu thương con” – Câu nói này tin rằng không chỉ riêng mình mình hay nghĩ đâu, mà nhiều Cha Mẹ Siêu Nhân cũng hay nghĩ lắm phải không nào?

Thân thương, 
– Phương Hà –

  • Bài viết được viết dựa trên nội dung khoá học “Công tác Xã hội (2015) tại Caritas trên mô hình tâm lý của Kubler Ross.
  • Bài viết được viết lại theo bài viết đăng trên fb cá nhân vào ngày 18/12/2020.

Recommended Articles

Leave A Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *