Tư thế đúng là một điều vô cùng quan trọng trong quản lý biến chứng ở Trẻ CP, đặc biệt giúp ngăn ngừa tình trạng phát triển các biến chứng thứ cấp như điểm tì đè gây lở loét, co rút và biến dạng. Không những vậy, một tư thế tốt sẽ giúp trẻ có cơ hội hoạt động dễ dàng hơn, giúp thúc đẩy khả năng phát triển của con.
Bài viết được biên soạn dựa trên khoá học Hiểu về Chứng Bại não được tổ chức bởi physiopedia và tài liệu tập huấn của Hambisela – chương 3.
1. Tư thế và Kiểm soát tư thế
Tư thế là tư thế do cơ thể đảm nhận khi cơ thể bất động hoặc di chuyển. ví dụ: tư thế nằm, tư thế ngồi, tư thế đứng, tư thế bò,…
Sự thích nghi và điều chỉnh tư thế liên tục là vô cùng cần thiết cho việc thực hiện các hoạt động chức năng hàng ngày, quá trình này được tạo ra bởi các tương tác phức tạp của hệ thống cơ xương và thần kinh và được định nghĩa là kiểm soát tư thế.
Kiểm soát tư thế đòi hỏi phải đạt được các mốc phát triển bình thường cũng như sự hoàn thiện của các phản ứng tư thế (phản ứng nghiêng, bảo vệ và cân bằng), sự tích hợp của các phản xạ nguyên thủy (Phản xạ cổ không đối xứng, Phản xạ cổ đối xứng, Phản xạ mê cung), cũng như trương lực cơ bình thường , nhịp điệu tư thế bình thường và các chuyển động khởi phát có chủ đích.
Trương lực trong tư thế và trương lực cơ bình thường là những yếu tố cần thiết để kiểm soát tư thế khi chuyển động và là điều kiện tiên quyết, cơ bản để Trẻ kiểm soát cử động cơ thể.
Ở Trẻ CP, trương lực cơ và trương lực trong tư thế thường bị thay đổi ( như tăng giảm hoặc thay đổi thất thường) điều này làm ảnh hưởng đến khả năng tổ chức và kiểm soát các cử động chủ ý một cách hiệu quả, tạo ra những mô hình vận động bất thường (ví dụ: vận động khối,…) làm ảnh hưởng đến hiệu suất của trẻ trong các hoạt động sống hàng ngày và làm tăng nguy cơ biến chứng thứ phát như như co rút và biến dạng, vết loét do tì đè, khó khăn trong giao tiếp, nuốt, đau, v.v.
2. Mục tiêu của Tư thế
Trẻ Bại não (CP) cần được hỗ trợ tư thế ở các vị trí khác nhau( ví dụ: cổ, hông, thân, bàn chân,…) nhằm mục đích cho phép trẻ trải nghiệm và phát triển các cách di chuyển bình thường hơn và ngăn ngừa các biến chứng thứ phát.
Dựa trên bằng chứng lâm sàng và nghiên cứu, các mục tiêu chung sau về tư thế ngồi và vị trí hỗ trợ được chấp nhận & phổ biến rộng rãi:
- Bình thường hóa trương lực cơ hoặc giảm ảnh hưởng bất thường của nó lên cơ thể
- Duy trì trục thẳng của cơ thể
- Ngăn ngừa hoặc giảm nhẹ biến dạng xương khớp
- Cung cấp hỗ trợ về mặt ổn định tư thể để thực hiện chức năng
- Thúc đẩy tăng khả năng đạt được tư thế mong muốn
- Thúc đẩy sự thoải mái và thư giãn
- Tạo điều kiện thuận lợi cho các kiểu chuyển động bình thường hoặc kiểm soát các mẫu chuyển động bất thường
- Quản lý áp lực hoặc ngăn ngừa sự phát triển của vết loét do tì đè
- Giảm sự mệt mỏi cho Trẻ và Ngừoi chăm sóc
- Tăng cường chức năng hệ thần kinh tự chủ (chức năng tim, tiêu hóa và hô hấp) – ví dụ: Trẻ thơ tốt hơn khi được đặt trong tư thế cao đầu (ngồi, nằm trên bục Tam giác)
- Tạo điều kiện tăng về chức năng và giảm về bệnh lý
3. Nguyên tắc chung cho một Tư thế tốt
Tư thế tốt được xây dựng dựa trên một số nguyên tắc cơ bản sau:
- Tính đối xứng và trục cơ thể cần được tôn trọng hết mức có thể ở tất cả các tư thế
- Trẻ cảm thấy thoải mái. Lúc đầu, trẻ có thể không thích một tư thế mới nhưng nếu trẻ tiếp tục tỏ ra khó chịu, có lẽ trẻ cần chuẩn bị thêm trước khi đặt trẻ vào tư thế đó (ví dụ: nới lỏng dây đai hoặc trẻ cần được thư giãn trước khi đặt tư thế hoặc ta cần điều chỉnh vị trí hỗ trợ). Cha mẹ không nên khuyến khích hay ép trẻ vào một tư thế nếu trẻ cảm thấy không thoải mái.
- Trẻ cần tư thế ổn định chứ không phải bị mắc kẹt. Tư thế tốt là tư thế giúp cho đứa trẻ trải nghiệm các kiểu chuyển động bình thường. Ví dụ, khi ta giúp trẻ ổn định tốt phần thân khi ngồi,sẽ thúc đẩy các cử động có chọn lọc của các chi trên (tay) để chơi, viết, ăn, v.v.
- Các tư thế nên đa dạng hoá và thay đổi thường xuyên (30 phút/lần). Nên thay đổi tư thế thường xuyên để tránh các vùng áp lực, tránh sự co cứng và co rút cũng như cho phép trẻ vận động ở các tư thế khác nhau.
Điều rất quan trọng cần nhớ là mỗi trẻ CP là một cá nhân với những ảnh hưởng trên cơ thể khác nhau, ví dụ trẻ bị liệt co cứng tứ chi có thể biểu hiện kiểu ưỡn duỗi toàn thân hoặc co gập toàn thân hoặc xoắn vặn bất đối cứng toàn thể .
Do đó các nguyên tắc chung được đề cập ở trên cần được điều chỉnh linh hoạt theo từng trẻ cụ thể.
Ví dụ, nếu đứa trẻ có thói quen nằm ở tư thế duỗi thẳng, ta sẽ đưa trẻ vào một tư thế cong gập hơn để giúp trẻ thư giãn hơn (hình ở dưới)
Nếu trẻ thường ở tư thế cúi hoặc gập bất thường khi ngồi, ta nên đặt trẻ ở tư thế quỳ thẳng hoặc căng thân dài hơn, đối xứng hoặc cao hơn. (như hình dưới)
Những điều này có thể giúp một đứa trẻ sử dụng mắt và hai tay để thực hiện nhiệm vụ (chơi, ăn uống,…) tốt hơn.
4. Dụng cụ hỗ trợ tư thế
Dụng cụ thiết bị được sử dụng để giúp Trẻ CP duy trì tư thế cân đối, ổn định khi nằm, ngồi hoặc đứng, để trẻ có thể luyện tập và phát triển các kỹ năng vận động thô và tinh.
Loại dụng cụ được chỉ định sẽ phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ, kiểu tư thế và chuyển động cụ thể, giai đoạn phát triển của trẻ và có bị biến dạng gì hay không.
TƯ THẾ NẰM
Trẻ nhỏ hơn hoặc trẻ lớn hơn nhưng bị ảnh hưởng nặng và khả năng di chuyển hạn chế nên được ở nhiều tư thế khác nhau trong suốt một ngày, kể cả trên sàn và được khuyến khích di chuyển tự do. Các tư thế đặt có thể là nằm ngửa, nằm sấp & nằm nghiêng được luân phiên thay đổi trong ngày để tránh bị tì đè và căng cứng cơ thể.
Đặc biệt nằm sấp là tư thế tốt để trẻ bắt đầu phát triển khả năng kiểm soát đầu, vai, cánh tay và bàn tay, đồng thời kéo căng các cơ ở hông, đầu gối và vai. Đệm, chêm, cuộn xốp, khăn tắm có thể được sử dụng để hỗ trợ ổn định tư thế của trẻ trên sàn.
TƯ THẾ NGỒI
Ngồi trở thành một mốc thực sự quan trọng tới việc phát triển chức năng để chơi khi trẻ được khoảng 8-9 tháng tuổi. Đến thời điểm này trẻ đã có khả năng kiểm soát thân tốt, cân bằng trong tư thế ngồi và di chuyển hông. Trẻ không còn phải dựa vào tay để hỗ trợ nâng đỡ cơ thể nữa, có thể vươn tay ra bất kỳ hướng nào để lấy đồ chơi và có thể phát triển và rèn luyện các kỹ năng vận động của tay khi ngồi.
Mặc dù, một số trẻ Bại não có thể không bao giờ đạt được mốc tự ngồi độc lập.NHƯNG Chúng ta không nên đợi cho đến khi trẻ Bại não phát triển tất cả các khả năng này rồi mới cho trẻ ngồi chơi, vì như vậy sẽ làm giới hạn khả năng của con, cũng như không tốt về một số mặt sức khoẻ khác.
Bằng cách chọn chiếc ghế cơ bản phù hợp với nhu cầu của từng trẻ, trẻ có thể duy trì tư thế ngồi cân đối & ổn định để trẻ có thể sử dụng tay để chơi, cho ăn, giao tiếp và học hỏi.
Ghế cần được điều chỉnh phù hợp với khả năng của trẻ, đảm bảo kiểm soát tư thế của trẻ đủ để khuyến khích trẻ phát triển khả năng ngồi độc lập càng nhiều càng tốt, tạo điều kiện cho các hoạt động hàng ngày như ăn, chơi và học.
Về cơ bản, một dụng cụ hỗ trợ ngồi phải đảm bảo rằng con bạn có được:
- Một đế ngồi ổn định – tư thế của xương chậu là một yếu tố quan trọng
- Hỗ trợ kiểm soát được tư thế và căn chỉnh trục thẳng của cơ thể
- Hỗ trợ kiểm soát đầu cổ
Các loại ghế và xe đẩy hoặc xe đẩy khác nhau cung cấp các mức hỗ trợ và độ ổn định khác nhau và loại ghế phù hợp với một đứa trẻ cụ thể sẽ phụ thuộc vào khả năng và vấn đề của đứa trẻ đó.
Bạn có thể đọc thêm các bài về ghế và xe đẩy trong phần bài viết về Dụng cụ của Phương Hà nhé!
TƯ THẾ ĐỨNG
Đứng không chỉ là một tư thế có lợi cho sự phát triển xương,… mà còn giúp Trẻ tăng tương tác Xã hội. Nhiều trẻ CP khi đứng sẽ có tình trạng đầu gối gập và hông gập, xoay trong,… Khi ấy Trẻ cần có sự hỗ trợ để kiểm soát tư thế và cung cấp thêm tính an toàn trong tư thế và khung tập đứng là một dụng cụ thường được sử dụng trong trường hợp này.
Điểm chung với bất kỳ dụng cụ hỗ trợ đứng nào, chúng có thể gây ra một số hạn chế về di chuyển, nhưng chúng cũng giúp ngăn chặn những tư thế không hiệu quả, giúp kéo giãn tốt cho đầu gối và cơ gập hông, một số kéo giãn cho các nhóm cơ khép hông, cho phép cơ thể chịu trọng lượng và trải nghiệm tư thế đứng. Tư thế đứng góp phần vào:
- Sự phát triển của khớp háng, ngăn ngừa nguy cơ trật khớp và đau nhức
- Tăng mật độ của xương (trẻ em không đứng có nhiều nguy cơ bị gãy xương hơn)
- Thở và tuần hoàn máu tốt hơn
- Giúp làm rỗng bàng quang và ruột
- Giảm đô cọ cứng, tăng trương lực và các cử động mất kiểm soát
Phương Hà tạm dừng tại đây, trong phần sau về Tư thế, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu những khó khăn trong việc đặt Trẻ Bại não (CP) vào tư thế thường gặp nhất. Và một số giải pháp gợi ý nhé!
Thương mến chào Bạn và chúc Bạn một ngày tốt lành!
Phương Hà.
*Vui lòng ghi rõ nguồn nếu có trích dẫn và sử dụng.
[…] Mời Ba Mẹ đọc thêm bài về Tư thế tại đây […]
Cảm ơn chị Phương Hà nhiều ạ, bài viết rất bổ ích, dùng từ đơn giãn dễ hiểu. Hóng nhiều bài viết của chị để mẹ siêu nhân có hướng đi tích cực cho con. 💚