Thành thật mà nói, Cha Mẹ sau khi biết về lợi ích của việc đặt tư thế tốt cho Trẻ Bại não, đều sẽ cố gắng giúp con có được tư thế đó. Thế nhưng, Chứng Bại não (CP) đôi khi gây rất nhiều khó khăn trong việc đặt Trẻ vào tư thế tốt.
Trong bài này, Phương Hà sẽ đưa thông tin một cách đơn giản cũng như một vài gợi ý ngắn gọn nhất để Cha Mẹ dễ dàng ứng dụng ngay sau khi đọc xong. Nội dung bài viết được truyền tải theo tài liệu “Getting to know Cerebral Palsy” mà mình có cơ hội dịch cho tổ chức HI cách đây vài năm.
LỢI ÍCH CỦA TƯ THẾ TỐT
- Giúp Trẻ ăn, uống, vui chơi và giao tiếp dễ dàng hơn
- Giúp Bạn chăm sóc Con dễ dàng hơn
- Là cơ sở cho tất cả các hoạt động mà bạn làm với con mình
- Giúp ngăn chặn hoặc làm giảm các biến chứng.
Vậy , Một tư thế kém có ảnh hưởng như thế nào?
- Nó sẽ cản trở sự phát triển của Trẻ
- Sẽ khiến bạn khó khăn hơn khi bế ẵm, di chuyển và chăm sóc con mỗi ngày
Có thể gây ra các vấn đề như:
- Vùng chịu áp lực (tì đè) – Do áp lực từ bên ngoài tác động vào một bộ phận cơ thể, máu bị ngăn không còn lưu thông dễ dàng qua các cơ của bộ phận đó và sau đó vết loét phát triển. Chúng bắt đầu với các vùng màu đỏ sẫm hoặc màu tím. Những vết loét như thế này thường lâu khỏi vì lưu lượng máu không tốt.
- Biến dạng – Nếu một chi ở một vị trí trong thời gian dài, các cơ ngắn hơn và khớp trở nên cứng – điều này được gọi là co rút.
- Dị tật – Ngay cả khi bạn chăm sóc con mình rất tốt, lực co kéo của cơ bắp khi Trẻ ở một tư thế cố định quá lâu cũng có thể gây ra dị dạng. Lưng của Trẻ có thể bị cong và vẹo, hông Trẻ có thể di chuyển ra khỏi vị trí hoặc trật khớp.
CÁC BƯỚC GIÚP TRẺ VÀO TƯ THẾ TỐT
Bước 1: Học cách di chuyển cơ thể Trẻ hiệu quả
- Nếu vùng cơ thể của Trẻ bị co cứng, trước tiên hãy làm thư giãn (gợi ý: dùng khăn ấm, hoặc cho trẻ tắm nước ấm, rung nhẹ cũng có thể giúp thư giãn,…)
- Không tập trung vào việc bắt buộc (thậm chí đè, ép) cơ thể Trẻ vào một tư thế cố định và hy vọng là Trẻ giữ nguyên tư thế đó. Mỗi tư thế chỉ nên duy trì trong 30 phút, vì lâu hơn thì có thể gây ảnh hưởng không tốt.
Bước 2: Cố gắng đưa con bạn vào vị trí tốt nhất mà bạn có thể
- Nhắm đến các “tư thế lý tưởng” và thử từng chút một,
- Ban đầu Trẻ có thể không thấy thoải mái khi ở một tư thế mới. Kiên trì và động viên Trẻ.
- Nếu Trẻ chống đối và khó chịu lâu trong việc đặt tư thế đó, hãy hỏi trực tiếp với Chuyên viên đang tập luyện cho Bé.
Bước 3: Thay đổi vị trí của Trẻ thường xuyên, khoảng 30 phút một lần hoặc tốt hơn nữa, hãy khuyến khích Trẻ hoặc hỗ trợ Trẻ trong quá trình thay đổi tư thế.
Hãy nhớ rằng, nếu bạn để một đứa trẻ ở một tư thế trong nhiều giờ, cơ thể Trẻ có thể dần dần cứng/cố định lại ở vị trí tư thế đó . Và một điều nữa là Trẻ cần trải nghiệm nhiều tư thế hữu ích.
Bài tới mình sẽ đưa thêm các ví dụ trong từng tư thế của Trẻ nha! Và hy vọng sẽ có thời gian để làm video cho Mọi người dễ theo dõi hơn 🙂
Thương mến, Phương Hà.
*Vui lòng trích rõ nguồn gốc khi sử dụng các Bài viết từ trang này.
*Hình ảnh sử dụng trong bài nằm trong tài liệu "Getting to Know Cerebral Palsy" và Pediatric Therapy Center
Cảm ơn chị Hà, mỗi bài viết dù học thuật hay chỉ là sự chia sẻ đều đong đầy tình yêu thương.
Chị cảm ơn Yen Yen thật nhiều!
Mình rất mong cô chia sẻ phần tiếp theo .
Mình sẽ sắp xếp viết tiếp mục Tư thế này! Mẹ đón đọc nhé !