Xin chào các Bạn đọc,

Lâu lắm rồi Phương Hà mới có dịp quay lại ngồi viết bài trên trang cá nhân này, nên mình muốn dành dịp này để nói tới chủ đề mà nhiều Cha Mẹ đã nhắn tin hỏi mình trong thời gian qua, đó là việc chọn xe đẩy cho Trẻ Bại não (CP), đặc biệt là các Trẻ lớn.

Ai cũng biết là Trẻ em thì thích vui chơi, thích được đi ra ngoài, không riêng gì Trẻ CP mà Trẻ nào cũng vậy, đó là một nhu cầu, và cũng là một quyền lợi của các em, thậm chí còn được quy định trong Quyền Trẻ em nữa. Tất nhiên, việc chơi không chỉ phải ra ngoài mới chơi được, có rất nhiều hoạt động vui chơi ở trong nhà. Tuy nhiên, việc được đi ra ngoài giúp Trẻ mở rộng quan sát về thế giới xung quanh, kết nối với cộng đồng nhiều hơn.

Những năm dịch vừa qua, chắc hẳn trong chúng ta không quên được cảm giác bí bách, tù túng khi phải ở trong nhà nhiều ngày tháng. Cảm giác này tương tự như ở các Trẻ CP thường xuyên chỉ loanh loanh ở nhà, cảm giác sẽ ngột ngạt hơn ở các Trẻ CP mức nặng – khi việc tự di chuyển của các con gần như bằng 0.

Khi con còn nhỏ, Cha Mẹ hoặc Ông Bà, Người thân có thể bế ẵm con ra ngoài chơi, nhưng khi con bắt đầu lớn, cơ thể dài nặng hơn thì Cha Mẹ và Người thân cũng không còn đủ sức. Vì vậy, việc đưa con đi ra ngoài, để đi chơi, đi du lịch hay đơn giản là đi dạo trở nên vô cùng khó khăn. Con ở nhà lâu thì việc stress là điều sớm muộn sẽ xảy ra, và khi con stress thì hệ lụy là lâu dần cả nhà cũng sẽ stress theo.

Vậy nên, có một chiếc xe đẩy, hay nghĩ đơn giản là một phương tiện hỗ trợ việc di chuyển là điều vô cùng cần thiết với Trẻ CP và Gia đình của Trẻ.

CÁCH CHỌN XE ĐẨY PHÙ HỢP VỚI TÌNH TRẠNG CỦA TRẺ

Trước khi xem loại xe đẩy nào phù hợp cho con, Cha Mẹ cần hiểu về các điều sau

1. Tư thế đúng

Tư thế đúng hiểu một cách ngắn gọn là trục thân người của bé được giữ thẳng, cân đối, cổ thẳng, thân thẳng, hông gập 90 độ, đầu gối gập 90 độ, bàn chân chạm sàn góc 90 độ. Tay để thoải mái trên bàn hoặc gác lên đồ kê tay của dụng cụ.

2. Mức độ/ Tình trạng của con

  • Về mức độ của con, chúng ta sẽ đọc bảng GMFCs (bảng phân loại chức năng vận động thô) xem con mình đang ở mức độ nào, cần hỗ trợ nhiều hay ít. Điều này sẽ giúp ta trong việc chọn mua các phụ kiện khi mua xe như: tựa hỗ trợ đầu cổ, đai ngực – đai hông – đai thân, đai tách chân, trục tách chân,…
  • Về tình trạng cột sống: con có vấn đề về vẹo cột sống hay không? Mức độ và tình trạng vẹo nếu có? Và thói quen ngồi của con ra sao? Con có xu hướng nghiêng, xoay người nhiều về bên nào? Con có tình trạng “xoắn vặn” không? … xác định vấn đề này đúng cũng giúp ta chọn được các phụ kiện cho xe chính xác hơn.

Vậy, khi mua xe, đặc biệt là các xe ở nước ngoài, ta cần hiểu rõ về tình trạng của con để có thể chọn dòng xe phù hợp nhất. Để mua xe về là con có thể dùng được, chứ không phải cất xó.

3. Mục đích

Sau khi hiểu được 2 vấn đề trên, Cha Mẹ cần làm một bước VÔ CÙNG QUAN TRỌNG nữa, đó là : Xác định mục tiêu hỗ trợ/phục vụ của xe đẩy.

  • Sử dụng trong di chuyển: đẩy đi chơi, đi du lịch, …
  • Sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày và cả di chuyển – Trẻ sẽ ngồi trên xe này và ăn uống, chơi học, … đồng thời sử dụng để di chuyển khi cần.

Tùy theo mục đích sử dụng, chúng ta sẽ có một mô tả chi tiết về yêu cầu của một chiếc xe phù hợp.

CÁC THÔNG SỐ CỦA MỘT CHIẾC XE ĐẨY

Mỗi hãng xe sẽ có quy ước size xe khác nhau (có thể theo số như 10-12-14-16-18 hay Small – Medium-Large), mẫu mã, chất liệu cũng khác.

1. Kích thước xe

Nhiều Cha Mẹ khi mình nói tới size xe đẩy thường hay cung cấp thông tin về tuổi và cân nặng của con, nhưng các thông số này đưa ra sẽ không xác định chính xác được size xe vừa với Trẻ. Lý do là bởi vì:

  • Trẻ CP co cứng thì thường cao và gầy, thâm chí nhẹ cân rất nhiều hơn so với lứa tuổi.
  • Trẻ CP mềm nhão thì lại có xu hướng “tròn, mũm mĩm” hơn, mặc dù nếu chỉ xét về cân nặng có thể chỉ ở mức bình thường.

Kích thước của xe hay size của xe sẽ được xác định theo kích thước cơ thể và cân nặng của Trẻ. Vậy ta cần những thông số cơ bản nào khi chọn size xe đẩy:

  • Chiều dài lưng: được tính khi dựng trẻ ngồi lên, từ mông tới đỉnh đầu
  • Chiều dài đùi – Độ sâu ghế: được tính trong tư thế trẻ ngồi, đo từ mông tới khoeo chân.
  • Chiều dài cẳng chân: được tính từ khoeo tới gót chân trong tư thế Trẻ ngồi.
  • Chiều rộng ghế – thường tính bằng chiều rộng nhất trên thân của Trẻ (vai, hông)

Mỗi một hãng xe, và mỗi dòng xe sẽ có quy ước về kích thước riêng. Khi Cha Mẹ tìm hiểu và chọn mua xe đẩy, ĐỪNG QUÊN nhấn vào phần Size Chart của sản phẩm xe mà mình quan tâm nhé! 

Lưu ý: Thường các hãng xe ở Mỹ dùng đơn vị đo lường là inches.

 

2. Độ nghiêng của ghế xe đẩy

Độ nghiêng của ghế xe đẩy sẽ được canh chọn theo mức độ kiểm soát đầu cổ và thân của Trẻ. Trẻ càng nặng thì mức độ nghiêng càng nhiều.

  • Mức độ nghiêng 10 độ: dành cho các Trẻ có khả năng kiểm soát thân mình, và cổ ở mức khá trở lên. Thường Trẻ ở mức này là Trẻ có thể đặc ngồi được
  • Mức độ nghiêng 30 độ: dành cho các Trẻ kiểm soát cổ và thân ở mức trung bình – kém, thường là ở mức GMFCs 3& 4
  • Mức độ nghiêng từ 45% trở lên: dành cho các Trẻ kiểm soát cổ và thân mình ở mức yếu, thường là ở mức GMFCs 4&5

3. Phụ kiện

Tùy theo tình trạng Trẻ, mà bên cạnh việc chọn độ nghiêng của lưng ghế xe đẩy, ta cần chọn thêm các phụ kiện đi kèm để hỗ trợ thêm tư thế của Trẻ.Trong phần này, Phương Hà sẽ giới thiệu một số phụ kiện hay sử dụng và tác dụng của nó.

  • Tựa hỗ trợ cổ (Head Supporter) và đai giữ: hỗ trợ kiểm soát đầu cổ cho Trẻ, đối với Trẻ dễ gục đầu khi di chuyển thì sẽ có thêm đai đính kèm với tựa cổ.
  • Nệm ngồi: hỗ trợ Trẻ ngồi trong tư thế thoải mái hơn, đặc biệt ở những Trẻ có vẹo cột sống, hay ưỡn thân ra sau, … 
  • Đai ngực – đai hông: đây là 2 đai thường được sử dụng nhất để đảm bảo an toàn và giữ vị trí đúng cho Trẻ. Tuy nhiên, trong trường hợp Trẻ kiểm soát thân kém, thì có thể cân đối lựa chọn sử dụng đai hỗ trợ ổn định thân.
  • Đai tách chân – Trụ tách chân: được sử dụng đối với trẻ có xu hướng bắt chéo chân (trụ tách), hoặc chân Trẻ có xu hướng vờn, nhấc cao, xoay trong (đai tách)
  • Chêm thân: thường được sử dụng với Trẻ CP có kèm vấn đề về cột sống, chêm này thường được đặt ở các vị tri như dưới nách, 2 bên hông… làm sao để giúp cho thân Trẻ giữ trục thẳng khi ngồi trên xe.
  • Bàn đi kèm xe: được mua cùng nếu nhu cầu của Trẻ có bao gồm sinh hoạt, học tập, …

Mình xin lấy hình một số phụ kiện của hãng convaid để Cha Mẹ có thể dễ tưởng tượng hơn. 

Ban đầu mình định viết luôn phần cách mua xe đẩy cũ từ nước ngoài (Mỹ), nhưng bài viết tới đây cũng rất dài. Nên mình xin hẹn lại mọi người vào bài sau với cả bài viết và video minh hoạ trực quan. 

Thân thương,

Phương Hà.

*Nội dung bài có sử dụng một vài hình ảnh từ hãng Convaid.  

*Vui lòng ghi rõ nguồn nếu sử dụng bài viết từ website này.

Recommended Articles

3 Comments

  1. Em cảm ơn ch rất nhiều. Bài viết rất chi tiết và tỉ mỉ cẩn thận và quan trọng hơn là bao tình yêu thương ch gửi vào từng bài viết. Em biết ơn và trân trọng ch thật nhiều ạ

  2. Cảm ơn cô Phương Hà rất nhiều, đúng chủ đề nhiều mẹ CP quan tâm. Mong rằng bài viết sau cô sẽ chia sẻ cách mua xe, loại xe phù hợp cho trẻ CP. Yêu các bạn CP và những người thân đồng hành cùng trẻ CP. 💚

Leave A Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *