CVI là từ viết tắt của Cortical Visual Impairment,  đa số được dùng bên Mỹ, để chỉ một khiếm khuyết về thị giác có nguyên nhân từ thần kinh, và nó không giống như các khiếm khuyết về thị giác thông thường ( liên quan tới chấn thương/ tổn thương cấu trúc mắt). Nó được hiểu nôm na là “Khiếm khuyết thị giác vùng vỏ não”.

Nguyên nhân của CVI là trung tâm kiểm soát thị giác ở não bộ, nơi truyền nhận tín hiệu giữa mắt và não không “hiểu nhau”. Đôi mắt có thể nhìn thấy, nhưng bộ não không “giải mã” được những gì đang thấy là gì.

Như ở trên mình đã giới thiệu, CVI là tình trạng khiếm khuyết thị lực liên quan tới thần kinh thị giác và nó KHÔNG LIÊN QUAN TỚI TÌNH TRẠNG MẮT, là tình trạng thường thấy ở trẻ hoặc người lớn mắc chứng Bại não (CP) (1. Good, Jan, Burden, Skoczenski, & Candy, 2001, p. 56.)

Biểu hiện thường thấy của CVI là khi làm các bài kiểm tra ở nhãn khoa thì kết quả đều tốt, nhưng lại không giải thích được tại sao chức năng nhìn bị ảnh hưởng.

Chính vì sự hiếm gặp so với các tình trạng về mắt khác nên CVI rất khó chẩn đoán cũng như điều trị, đặc biệt là ở Việt Nam (rất ít nếu không nói là hiện chưa có Chuyên gia được đào tạo bài bản về CVI). Chính vì vậy, ở đây vai trò của Cha Mẹ trẻ CP là vô cùng quan trọng, Cha Mẹ nếu được cung cấp thông tin sớm và nhận biết CVI sớm sẽ giúp trẻ có khả năng “cải thiện”  chức năng nhìn tốt hơn.

Năm 2014, khi lần đầu tiên gia đình mình qua Mỹ, để vừa học vừa can thiệp cho con, mình may mắn được Bà Diane và Michelle trực tiếp hướng dẫn và chia sẻ. Bà Diane là chuyên gia về Mắt đã lớn tuổi, Bà tình nguyện hỗ trợ cho những trẻ CP khi tập Movment Lesson, và Bà là người giải thích đầu tiên cho mình hiểu về CVI, cũng như dạy mình cách “cải thiện”.

Biểu hiện của CVI

Vậy, những biểu hiện của CVI là như thế nào?

1. “Quan tâm” tới một số màu nhất định
Bạn có thể nhận thấy rằng con của bạn có vẻ thích nhìn vào một màu nhất định. Màu đỏ và vàng tươi thường là màu yêu thích của các bé, nhưng một số trẻ thích các màu sáng khác như xanh dương, xanh lục hoặc hồng.

2. Cần sự chuyển động đồng thời
Nhiều trẻ em CVI chỉ nhìn thấy rõ khi vật thể di chuyển.Ví dụ, trẻ dễ nhìn vào một bánh xe chuyển động hoặc một quả bóng lắc lư.

3. Phản hồi chậm khi nhìn vào vật thể (visual latency)
Trẻ CVI có thể mất một ít thời gian để nhìn vào vật thể. Sau khi nhìn thấy, trẻ sẽ quay qua hướng khác. Vì tính chất này, nên Cha Mẹ hoặc người Trị Liệu cần “cung cấp” đủ thời gian cho trẻ khi muốn giới thiệu về vật thể nào đó.

4. Khó khăn với độ phức tạp thị giác
Trẻ CVI cần sự đơn giản. Đầu tiên, điều quan trọng là đối tượng được trình bày có màu đơn giản. Ví dụ, một con thú nhồi bông với 1 màu duy nhất, giống như Elmo, thích hợp hơn với một con có nhiều màu sắc. Tương tự như vậy, điều quan trọng là phông nền và môi trường xung quanh cũng cần đơn giản. Ví dụ, đặt một miếng vải màu đen phía sau một đồ chơi màu đơn, giúp giảm sự lộn xộn cho thị giác. Tạo một môi trường đơn giản là vấn đề loại bỏ nhiễu và bất kỳ thứ gì khác có thể làm sao lãng cho việc quan sát của trẻ CVI.

5. Mắt nhìn nhưng không rõ định hướng
Thông thường, trẻ CVI sẽ nhìn chằm chằm vào ánh sáng, nhìn ra ngoài cửa sổ hoặc đèn nơi trần nhà. Hoặc đôi khi, ta cảm giác như trẻ nhìn vào khoảng không vô định nào đó.

6. Nhìn theo hướng cố định
Thông thường trẻ CVI sẽ thích nhìn ở một bên cố định, thậm chí sẽ quay về hướng đó để nhìn (đơn giản vì với hướng ấy, trẻ nhìn tốt hơn)

7. Tầm nhìn bị suy giảm
Một số trẻ CVI gặp khó khăn khi nhìn xa, điều này liên quan tới vùng thần kinh thị giác.

8. Phản xạ chớp mắt không có hoặc chậm.
Nhiều trẻ CVI không có hoặc phản ứng rất chậm khi ta đột ngột chưa vật lại gần mắt hoặc chạm vào cầu mũi.

9. Thích các đối tượng quen thuộc.
Vì trẻ CVI khó xử lý thông tin mà mắt nhìn thấy, nên chúng thường thích các vật thể quen thuộc mà não dễ dàng nhận ra và đã xử lý trước đó.

10. Khả năng phối hợp giữa mắt và tay bị suy giảm
Vì bị suy giảm khả năng dõi mắt đồng thời chụp lấy vật thể. Nên thường trẻ CVI sẽ nhìn, sau đó nhìn sang hướng khác rồi mới với lấy nó.

HY VỌNG VẪN CÒN ĐÓ!

CVI vẫn còn hy vọng! Thực tế tuyệt vời của CVI là nó có thể, và thường là trở nên tốt hơn với sự can thiệp thích hợp.

Một nghiên cứu được tiến hành bởi Tiến sĩ Roman-Lantzy phát hiện rằng, trong một nhóm trẻ CVI có Cha Mẹ hoạt động tích cực với con thì 97% Trẻ cải thiện từ Giai đoạn I lên Giai đoạn III trung bình là 3,7 năm.

Một số chuyên gia nhãn khoa hoặc giáo viên của người khiếm thị có kiến ​​thức về CVI cũng có thể giúp đỡ về các chiến lược đánh giá và can thiệp. Ngay cả khi không có sự hỗ trợ của các chuyên gia về thị lực, có rất nhiều điều Ba Mẹ có thể làm để giúp trẻ CVI.

Phần sau mình viết kỹ hơn về 3 giai đoạn của CVI theo Tiến sĩ Roman Lantzy và “Làm gì để giúp cho trẻ CVI” nhé !

Chào thân thương các Cha Mẹ,
– Phương Hà
(Bài viết được lược dịch và tổng hợp từ nhiều nguồn)

Recommended Articles

Leave A Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *