Trung tâm nào tốt nhất cho Trẻ Bại não (CP)?
Câu hỏi này, mỗi năm đều có vô vàn Ba Mẹ Siêu Nhân đặt lên trong các diễn đàn online. Kèm theo sau có thể là những dòng mô tả tình trạng của con mình.
Cá nhân mình nghĩ, câu hỏi này nên thay bằng “NƠI TẬP NÀO PHÙ HỢP VỚI CON MÌNH NHẤT?”
Để trả lời cho câu hỏi này, Cha Mẹ cần xem xét ít nhất trên 2 góc độ:
1. Kinh tế gia đình
2. Tình trạng của Trẻ
Mình để góc độ kinh tế ở dòng đầu tiên vì về lâu dài yếu tố này sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới việc can thiêp trị liệu thường xuyên & ổn định cho trẻ CP. Các con cần một quãng thời gian trị liệu tính bằng năm tháng chứ không chỉ là vài hôm.
Ở góc độ kinh tế, mình xin phân tích như sau :
Bệnh viện công (nơi có bảo hiểm chi trả) thường là nơi đầu tiên mà Ba Mẹ đưa bé tới khám và tập luyện. Đây cũng thường là nơi mà lần đầu Cha Mẹ nhận tin Em bé nhà mình mắc chứng CP, lần đầu thấy “tập luyện” là thế nào? cũng là nơi đầu tiên mà Cha Mẹ học hỏi từ các Cô Chú Kỹ thuật viên về tự tập cho con.
- Ưu điểm:
- Chi phí thấp, thậm chí có những bệnh viện phí tập là bằng 0 nếu có bảo hiểm đúng tuyến (ví dụ: Bệnh viện – Điều trị bệnh nghề nghiệp Q8-HCM, Bệnh viện PHCN Hà Nội,…)
- Bác sĩ, KTV được đào tạo bài bản, chính quy và tay nghề chuyên môn cao.
- Nhiều bệnh viện hiện nay được đầu tư và triển khai áp dụng mô hình can thiệp trị liệu đa ngành (Vật lý trị liệu – Hoạt động trị liệu – Âm ngữ trị liệu-), thậm chí một số bệnh viện cũng có mô hình chăm sóc ban ngày (bán trú) hoặc mô hình tập luyện nội trú như BV Nhi đồng 1, BV 1 A Lý Thường Kiệt (HCM),…
- Nhược điểm:
- Thời lượng tập ít: thông thường do lượng bệnh nhi tập mỗi ngày rất đông, số lượng KTV lại ít nên thời lượng tập cho 1 bé là rất ít và chưa đủ cho trẻ, đặc biệt các bé gồng cứng cần thời gian làm quen, khởi động thư giãn nhiều hơn.
Các trung tâm PHCN tư nhân cho trẻ CP thường được Cha Mẹ tìm tới sau một khoảng thời gian tập luyện tại Bệnh viện công hoặc sau khi tìm hiểu trên các diễn đàn và được giới thiệu thông qua các Cha Mẹ khác.
- Ưu điểm: có lợi thế là trẻ được tập với thời lượng nhiều hơn, đa số mỗi ca tập khoảng 45-60 phút nên việc làm quen, khởi động này nọ cho trẻ được thực hiện đầy đủ. Ngoài ra, thường trung tâm sẽ kết hợp nhiều phương thức để tăng hiệu quả tập luyện hơn.
- Nhược điểm:
- Chi phí cao: các trung tâm tự chi trả nhiều loại chi phí nên sẽ phù hợp với các gia đình có khả năng kinh tế từ mức trung bình- khá trở lên. Mức phí can thiệp thường dao động từ 100-300k/ca tập tuỳ theo địa phương.
- Chất lượng KTV không đồng đều: điều này thường bắt nguồn do sự thay đổi nhân sự ở các cơ sở tư nhân thường nhanh hơn so với BV công (nơi mà nhân sự hầu hết là cơ hữu)
Ở góc độ "Tình trạng của Trẻ"
Yếu tố này sẽ liên quan nhiều tới “thế mạnh” của các Bệnh viện hoặc Trung tâm khi Ba Mẹ xem xét lựa chọn, các thế mạnh ấy có phù hợp với tình trạng của em bé nhà mình không?
Mỗi nơi trị liệu sẽ có một mô hình can thiệp riêng vậy nên ngoài việc đọc các thông tin trên mạng, Ba Mẹ nên tới trực tiếp và hỏi tất cả những thắc mắc cần thiết trực tiếp tại ngay cơ sở mà mình muốn đưa con tới can thiệp.
Ngoài ra, một việc vô cùng quan trọng đó là khi Cha Mẹ xác định được đúng khó khăn của con trẻ, Cha Mẹ cũng sẽ xác định ra được con đường can thiệp nào phù hợp với con mình và gia đình mình nhất.
Mình ví dụ nhé,
Với Trẻ Liệt nửa người (trái/phải), thì hiện nay phương pháp CIMT được chứng minh có hiệu quả cao và nhanh. Vậy nếu con mình có chẩn đoán CP liệt nủa người, mình sẽ ưu tiên chọn các nơi có thế mạnh về CIMT.
Vậy việc lựa chọn trung tâm phù hợp với "tình trạng của con" là thế nào?
Ba Mẹ cần làm theo các bước sau:
- Xác định mức độ tình trạng của trẻbao gồm: thể CP, mức độ GMFCs, các khó khăn đi kèm khác ngoài CP.
- Xác định thế mạnh, sở thích của con (đa số liên quan tới nhận thức)
- Mục tiêu của Cha Mẹ “nương” theo mức độ/ tình trạng của con. Ví dụ: Cha Mẹ muốn có nơi vừa tập luyện vừa giữ trẻ? Cha Mẹ muốn có nơi tập cho bé chuyên nghiệp? Cha Mẹ muốn có nơi tập miễn phí?,…
Khi trả lời được 3 câu hỏi này, Ba mẹ sẽ có trong đầu một vài cái tên bệnh viện/trung tâm phù hợp, rồi việc tiếp theo là tới trực tiếp nơi đó tham quan, trao đổi và đưa ra quyết định.
Vấn đề phát sinh : “tập ở nơi A một thời gian dài, không thấy trẻ tiến bộ” ???
- Lúc này Cha Mẹ quay lại 3 câu hỏi ở trên, nếu mức độ trẻ quá nặng / phức tạp thì trẻ cần nhiều thời gian để đáp ứng hơn các bạn khác.
- Đồng thời, quan sát cảm xúc của con trong khoảng thời gian trị liệu cũng là một điểm mấu chốt, Ba Mẹ là người thương con nhất, và cũng là người nhận biết được “những tín hiệu không ổn” đầu tiên từ bé. Nên ở mặt này, Ba Mẹ hãy cực kỳ “nhạy” nhé, nếu có bất kỳ điều gì thắc mắc về việc tập luyện của trẻ, đừng ngại hỏi ngay nhà trị liệu đang trực tiếp làm việc với con nhé! Trao đổi thẳng thắn luôn là cách tốt nhất để tìm ra hướng giải quyết.
Chúc Cha Mẹ và các Bé tìm được nơi can thiệp phù hợp!
Thân thương,
– Phương Hà –
Viết lại theo bài đăng trên FB cá nhân vào ngày 17/05/2020